Trải qua hàng trăm năm lịch sử, chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã thay đổi nhiều về cảnh quan cũng như kiến trúc so với ban đầu. Tuy nhiên, những giá trị riêng của ngôi chùa vẫn được gìn giữ.
Quang cảnh chùa Ba Vàng |
Chùa được khởi dựng từ thời nhà Trần
Chùa Ba Vàng còn có tên chữ là Bảo Quang Tự nghĩa là Chùa có ánh sáng quý, chùa nằm trên núi Thành Đẳng. Tương truyền, chùa Ba Vàng được khởi dựng từ thời nhà Trần, vào thế kỷ XIII khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử và lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Khoảng năm 1706 dưới triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh, chùa đã được Tổ sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác – Hậu duệ của Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử kế nghiệp chư Tổ khai sơn, phục dựng am nhỏ với mái lá đơn sơ để tu hành, cứu chữa những người mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt 52 năm cứu đời, tiếp Tăng độ chúng, với đức hạnh cao cả, Sư Tổ Tuệ Bích đã khơi dậy sức sống mãnh liệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử góp phần phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Mãn duyên hóa độ, sư tổ Tuệ Bích Phổ Giác an nhiên về cõi Niết bàn năm 1757, trụ thế 100 tuổi.
Thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa chỉ còn rừng cây bao phủ và sót lại một số ít di vật đã được tìm thấy sau sự việc “ông lão tìm bò”. Như một sự tình cờ và hữu duyên, chùa Ba Vàng được phát hiện vào năm 1987 nhờ một lão nông sinh sống tại Thanh Sơn – TP. Uông Bí, và từ đây, quá trình hồi sinh chùa Ba Vàng bắt đầu.
Để chùa Ba Vàng trở thành tùng lâm Phật Pháp
Nhận thấy đây là ngôi chùa cổ có giá trị về mặt lịch sử tâm linh cũng như giá trị văn hóa, nhân dân địa phương và phật tử cả nước cùng ủng hộ để sửa lại chùa ba vàng lần thứ nhất vào năm 1993, các lần tiếp vào năm 2007 và năm 2014.
Đến năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh đảm nhiệm chức vụ trụ trì, cũng năm đó, chùa Ba Vàng được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh.
Quang cảnh chùa Ba Vàng về đêm |
Ngày 9/3/2014, chùa Ba Vàng tổ chức lễ Khánh thành và nhận bằng kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương”. Tòa Đại hùng Bảo điện được thiết kế với kiến trúc 2 tầng, 8 mái, góc mái có các đầu đao cong vút, khắc nổi hình ảnh tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”, hệ thống tượng pháp, hoành phi câu đối đều được sơn son thiếp vàng. Tầng 1 là khu Nhà khách và Trai đường, tầng 2 là tòa Chánh điện nơi thờ Tam Bảo. Hệ thống tượng pháp trong chùa được làm bằng gỗ có kích thước lớn, trong đó phải kể đến là tôn tượng A Di Đà bằng gỗ lớn nhất miền Bắc và chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam.
Từ cổng tam quan ngoại, có hai đường dẫn vào trong chùa như bao bọc lấy ngôi Tam Bảo. Từ trên cao, trong quần thể hài hòa và mỹ thuật, Tôn tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên hiện lên oai nghi, từ bi, nhân hậu, lưng dựa núi Thành Đẳng, mặt hướng về dòng Bạch Đằng giang lịch sử.
Trên hồ Bán nguyệt, biểu tượng ngôi chùa Một cột được những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dựng lên tài tình như một đóa sen nở trên mặt nước. Dọc hai bên hành lang chùa là lầu trống, gác chuông, hai gian La Hán đường với 18 tôn tượng La Hán được tạc bằng đá nguyên khối. Khu Nội viện Tăng được xây dựng ở hướng đông nơi có “rồng chầu”, Khu Nội viện Ni được xây dựng ở hướng Tây nơi có “hổ phụng”. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có nhiều hạng mục như: hòn non bộ, nhà bảo tàng, thư viện, thiền đường, nhà nội trú phục vụ hàng ngàn Phật tử về tham dự khóa tu.
Chùa Ba Vàng hiện đang lưu giữ 12 pho đại sách Huyền thoại Việt Nam lưu danh các anh hùng liệt sĩ, các người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc để nhân dân chiêm bái, thờ phụng. |
Công trình Đại Bảo Tháp gồm 1 tháp chính và 4 tháp phụ được làm bằng đồng nguyên chất dát vàng sẽ được xây dựng trên đỉnh núi phía sau chùa, không chỉ tạo nên điểm nhấn kiến trúc độc đáo trong khu vực quần thể chùa, mà còn có một ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn là cầu cho quốc thái dân an, chúng sanh an lạc, muôn dân được ấm no hạnh phúc, muôn loài được kết duyên lành với chính pháp của Phật.
Sau công cuộc đại trùng tu, ngôi chùa Ba Vàng ngày nay đã trở thành một điểm hẹn tâm linh nổi tiếng, một trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của cả nước, một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo, vừa có nét hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống Phật giáo nước nhà và văn hóa dân tộc.
Để có môi trường tu học tốt cho nhân dân Phật tử, chùa Ba Vàng đã tiếp tục xây dựng những công trình lớn như Đại giảng đường 12000m2, khu ở Phật tử 9000m2… đề phục vụ nhu cầu sinh hoạt tu tập cho Phật tử, nhân dân về chùa vào các buổi tu học thường kỳ.
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn