Thực trạng môi trường Thành phố Cần Thơ

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất ở Cần Thơ là ô nhiễm nước, bị gây nên bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Cần Thơ: Thực hiện các giải pháp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
thuc trang moi truong thanh pho can tho
Nước mặt tại các kênh rạch nội ô thành phố Cần Thơ đã bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Cần Thơ như là một thành phố trẻ, năng động, giàu tiềm năng. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, ngập lụt, gia tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế – xã hội và sự phát triển của thành phố. So với trước đây, sự đa dạng thành phần loài động thực vật của hệ sinh thái đất ngập nước đã bị suy giảm do dư lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm nguồn nước; sự gia tăng dân số; sử dụng xung điện, xuyệt điện để khai thác thủy sản; sinh vật ngoại lai. Ô nhiễm nguồn nước, chất thải rắn, ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng trong khi sức chịu tải của môi trường tự nhiên hạn chế.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất ở Cần Thơ là ô nhiễm nước do các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố; hoạt động nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm, chất thải từ sinh hoạt thường ngày của người dân sống ven các con sông, hệ thống kênh, rạch.

Từ kết quả quan trắc chất lượng nước mặt ô nhiễm tập trung tại thành phố Cần Thơ cho thấy, nước mặt tại các kênh rạch nội ô thành phố Cần Thơ đã bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh; tuy nhiên, mức độ ô nhiễm chưa nặng và không thay đổi nhiều qua các năm. Đối với chất lượng nước ngầm, các thông số chỉ có 02/13 thông số Quan trắc vượt Quy chuẩn cho phép, cụ thể là thông số Coliform và Clorua. Thông số Coliform tại các quận huyện đều vượt Quy chuẩn cho phép, cao nhất tại huyện Vĩnh Thạnh vượt quy chuẩn quy định đến 29 lần; đối với chỉ tiêu Clorua, có 02/09 quận, huyện có giá trị vượt quy chuẩn cho phép, cụ thể huyện Vĩnh Thạnh vượt 1,6 lần và huyện Thới Lai vượt 1,2 lần.

Về chất lượng môi trường không khí tại thành phố Cần Thơ nhìn chung còn tốt, hầu hết các thông số tại các điểm quan trắc đều đạt so với các quy chuẩn so sánh. Tuy nhiên, ở các điểm có mật độ giao thông cao, các công trình xây dựng thì nồng độ bụi lơ lửng, các chất gây ô nhiễm không khí như NO2, SO2 thường vượt mức cho phép vào các giờ cao điểm. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng xảy ra gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư và cộng đồng.

Mỗi ngày, thành phố có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, đạt từ 85% – 90%, phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn tại tại thành phố Cần Thơ đã và đang được cải thiện đáng kể từ khi Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, đi vào hoạt động tháng 12/2018. Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã xử lý được khoảng 175.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra 53,2 triệu kWh điện. Hiện nay, nhà máy xử lý từ 400 – 430 tấn rác mỗi ngày, chiếm khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ, giúp cải thiện hiệu quả môi trường thành phố.

Hiện tại, TP. Cần Thơ đã và đang thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nội ô quận Ninh Kiều với công suất 30.000m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức nhà máy đốt rác phát điện công suất 400 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Thành phố đang tăng cường nguồn cung cấp nước sạch sử dụng nước mặt bằng nguồn ngân sách và xã hội hoá, từng bước chuyển đổi sang sử dụng nước mặt đối với các trạm cấp nước nông thôn và đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Thu Vân

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn