16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch

Ngày 16/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 ngày 27/11/2023 trong đó, xác định có 16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch và xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh,rạch,…và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết Điều 7, khoản 5 Điều 9, Điều 10, khoản 5 Điều 17, Điều 19, khoản 9 Điều 23, Điều 30, khoản 5 Điều 31, Điều 35, khoản 3 Điều 37, khoản 10 Điều 38, khoản 3 Điều 51, khoản 10 Điều 63, khoản 6 Điều 66, khoản 5 Điều 71, khoản 5 Điều 81 của Luật Tài nguyên nước về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; hành lang bảo vệ nguồn nước; việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; ngưỡng khai thác nước dưới đất; xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; chuyển nước lưu vực sông; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước; hạ tầng kỹ thuật vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực; quy trình điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực; xây dựng quy chế phối hợp vận hành đối với các đập, hồ chứa trên sông, suối; đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện; lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; hạch toán tài nguyên nước và lộ trình thực hiện; việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

16 lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch
Không bảo đảm khoảng cách tối thiểu về hành lang bảo vệ dòng sông luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. (ảnh vụ sạt lở hồi đầu tháng 4/2024 tại sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)

Nghị định xác định danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch

Các lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh bao gồm: 1. Lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng và vùng phụ cận; 2. Lưu vực sông Hồng – Thái Bình và vùng phụ cận; 3. Lưu vực sông Mã và vùng phụ cận; 4. Lưu vực sông Cả và vùng phụ cận; 5. Lưu vực sông Hương và vùng phụ cận; 6. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng phụ cận; 7. Lưu vực sông Trà Khúc và vùng phụ cận; 8. Lưu vực sông Ba và vùng phụ cận; 9. Lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và vùng phụ cận; 10. Lưu vực sông Sê San và vùng phụ cận; 11. Lưu vực sông Srêpốk và vùng phụ cận; 12. Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận; 13. Lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận; 14. Lưu vực sông ven biển Quảng Ninh; 15. Lưu vực sông ven biển Quảng Bình và Quảng Trị; 16. Lưu vực sông ven biển Nam Trung Bộ.

Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, Cơ quan lập quy hoạch ngoài việc tuân thủ các quy định về lập quy hoạch còn có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được lập, thẩm định đồng thời với quá trình lập, thẩm định quy hoạch.

Xác định nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: Hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước từ 02 ha trở lên.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa vào Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ, ao, đầm, phá trong Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có diện tích mặt nước nhỏ hơn 02 ha.

Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước bao gồm: Đoạn sông, suối, kênh, mương rạch là nguồn cung cấp nước của công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất; Đoạn sông, suối bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở; Sông, suối, kênh, mương, rạch liên huyện, liên tỉnh là trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp; Đoạn sông, suối, kênh, rạch bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, cần cải tạo, phục hồi nguồn nước; Sông, suối, kênh, rạch gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven sông. Cùng với đó, Nghị định quy định về phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi và hồ chứa khác trên sông, suối.

Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau: Không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 05 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung;

Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào diễn biến lòng dẫn, tình trạng sạt lở để quyết định phạm vi hành lang bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế các nguyên nhân gây sạt lở bờ, bảo vệ sự ổn định của bờ.

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau: Không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 15 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ hoặc bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước ven sông, suối, kênh, rạch.

Như vậy, theo Nghị định này thì những công trình xây dựng nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch mà không phải là công trình phục vụ cho công tác quốc phòng, an ninh, thuỷ lợi, đê điều,…thì đều là những công trình vi phạm và cần phải xử lý./.

Nguyễn Quang

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn