Giữa nhộn nhịp và xô bồ của cuộc sống bên ngoài, có một nơi mà những số phận “nửa tỉnh nửa mê” vẫn ngày ngày mong được hòa nhập với cộng đồng. Nơi mà rất nhiều con người đang thầm lặng mang sự tận tâm, trách nhiệm và tình người cao cả ngày đêm miệt mài chăm sóc, nuôi dưỡng những hoàn cảnh không may mắn mắc chứng rối loạn tâm thần. Nơi đó chính là Trung tâm điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng.
Tạm gác sự náo nhiệt của phố phường, đến với Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng vào một ngày đầu tháng 7, cảm nhận đầu tiên là không gian yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng đãng với những hàng cây xanh rợp bóng mát, xoa dịu đi cái nắng hè oi ả. Cùng trò chuyện, lắng nghe rất nhiều điều về số phận của những con người “nửa tỉnh nửa mê” đang bị xã hội ngoài kia xa lánh. Trực tiếp quan sát bệnh nhân say sưa ca hát nói cười, chơi đùa nhảy múa với vẻ mặt ngây ngô hiện rõ, nhưng trong ánh mắt ẩn chứa u buồn xa xăm, vài người thì lặng thinh ngồi một góc không tiếp xúc với ai. Chứng kiến những hoàn cảnh này, niềm cảm thương bỗng len lỏi trong lòng.
Ở cái nơi mà người ta vẫn gọi là “nhà thương điên” này, có hàng chục cán bộ, nhân viên đang gắn bó cuộc đời mình với nghề chăm sóc những người “điên”. |
Việc khó và nguy hiểm
Nghề nghiệp hay công việc nào cũng có những cái khó riêng, nhưng với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Những người bệnh bị tổn thương về thần kinh, tâm thần thường không kiểm soát được hành vi, dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và người xung quanh. Nên việc đối diện với nguy hiểm là điều khó tránh khỏi đối với cán bộ, nhân viên, những người nuôi dưỡng và chăm sóc đối tượng bị mắc bệnh tâm thần.
Tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng, cán bộ, nhân viên luôn đặt cái tâm và tình người lên hàng đầu, xem người bệnh như người trong gia đình, nhẫn nại, chịu khó, thấu hiểu và chia sẻ để tạo sự gần gũi, tin cậy với người bệnh trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc.
Công tác xây dựng cảnh quan, môi trường tại trung tâm luôn được duy trì theo hướng “Xanh – Sạch – Đẹp”, thân thiện. |
Ông Tán Thanh Vũ – Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng chia sẻ: mỗi người bệnh đến với trung tâm đều có những hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau, phần lớn đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có trường hợp mất hết người thân, không gia đình, không nơi nương tựa. Họ mắc bệnh vì nhiều nguyên nhân, có người do di truyền, do tai nạn, do lối sống không lành mạnh dẫn đến tư duy lệch lạc, bi quan; thậm chí có người từng vô cùng giỏi giang, làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vì gặp phải cú sốc lớn trong cuộc đời hoặc áp lực cuộc sống khiến họ căng thẳng quá lâu, ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý mà phát bệnh. Các đối tượng này khi vào trung tâm đều được cán bộ, nhân viên phụ trách chăm lo mọi sinh hoạt và ăn uống hằng ngày.
“Ai cũng hiểu, chăm sóc cho những đối tượng đặc biệt này cần có sự nhẫn nại và thấu hiểu, thấu hiểu rằng họ đặc biệt. Những lúc phát bệnh, họ sẽ kích động và có hành vi đập phá đồ đạc, la hét, đánh người, làm bị thương bản thân,… Không ít lần, cán bộ, nhân viên trung tâm bị họ tấn công, nếu không biết cách xử lý và khống chế những trường hợp như vậy thì sẽ vô cùng nguy hiểm khi làm công việc này” – ông Vũ nói.
Tại trung tâm, các hoạt động phục hồi chức năng, hình thức trị liệu được chú trọng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và thể chất cho người bệnh. |
Ngoài ra, người bệnh tâm thần thường mang trong mình định kiến và luôn thường trực ý muốn tìm đến cái chết, làm tổn thương chính bản thân mình, dẫn đến hành động tìm mọi cách để tự sát. Cho nên cán bộ, nhân viên, những người trực tiếp làm công tác điều dưỡng, chăm sóc người bệnh phải thực sự thấu hiểu sâu sắc tình trạng bệnh của từng đối tượng, thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý từng người, biết tiên lượng mọi tình huống xấu có thể xảy ra để theo dõi sát sao, không để người bệnh thực hiện hành vi làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của bản thân họ và người xung quanh. Có thực sự thấu hiểu như vậy mới có thể gắn bó lâu dài với công việc và với trung tâm được.
Nguy hiểm và vất vả là thế nhưng không làm cho tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm cảm thấy nản lòng, ghét bỏ hay vơi bớt sự thông cảm đối với người bệnh; trái lại, họ càng cảm thấy yêu công việc này hơn, cảm thông với người bệnh hơn. Không đơn thuần chỉ xem đây là công việc mang lại thu nhập cho bản thân, mà hơn hết còn là sự sẻ chia, là tình người, là sự đóng góp sức lực của mình mong muốn giúp cho bệnh nhân nhanh chóng ổn định bệnh tình, trở về nhà và hòa nhập với xã hội.
Mái nhà chung – Nơi sẻ chia tình người với những phận đời kém may mắn
Hiện nay, vấn đề phân biệt đối xử đối với người mắc bệnh tâm thần còn khá lớn. Nếu ngoài kia, người tâm thần vẫn chịu sự kỳ thị của cộng đồng, thì tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng lại không hề có khoảng cách. Gạt bỏ sự kỳ thị, cũng như sự phản đối của người thân, họ vẫn chọn gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần, bởi họ luôn tâm niệm rằng, người với người sống để yêu thương.
Qua trò chuyện với một vài cán bộ, nhân viên trung tâm cũng như tận mắt chứng kiến hoạt động, hành vi, thái độ “không giống ai” của bệnh nhân, chúng tôi thực sự khâm phục những con người đang ngày ngày làm công việc chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt này.
Đối với người bệnh tâm thần, một bữa ăn ngon, những lời hỏi han, chia sẻ ân cần của mọi người dành cho họ là liều thuốc chữa lành tinh thần vô cùng lớn. |
Chia sẻ về công tác điều trị, chăm sóc y tế cho các đối tượng, Giám đốc Tán Thanh Vũ cho biết, việc duy trì công tác thăm khám hằng ngày và quản lý theo dõi tại các khu nuôi dưỡng đã kịp thời xử lý các hành vi lên cơn rối loạn và các bệnh đa khoa kèm theo khác, không để xảy ra các tình huống y khoa đáng tiếc. Bên cạnh việc duy trì điều trị đối với bệnh tâm thần, phòng y tế thường xuyên thăm khám và điều trị số lượng lớn đối tượng mắc các bệnh đa khoa kèm theo.
Hằng ngày, hoạt động mà các đối tượng tham gia lao động trị liệu đều được ghi vào sổ nhật ký theo dõi; hàng tháng, hàng quý đều tổng hợp quá trình tham gia hoạt động của đối tượng, nhờ đó chất lượng phục vụ được nâng cao, việc đánh giá công tác quản lý, phục vụ đối tượng trong nghiệm thu hàng Quý được chính xác hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với việc chăm sóc y tế, Trung tâm tổ chức tập vật lý trị liệu, nâng cao thể chất thường xuyên cho 66 đối tượng bị hạn chế chức năng với 2.452 lượt. |
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc dinh dưỡng cũng được chú trọng, đảm bảo thực đơn đa dạng, đủ chất; quan tâm đổi mới thực đơn để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe đối tượng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, Phòng y tế lưu mẫu thực phẩm hàng ngày để kiểm soát và đảm bảo vệ sinh thực phẩm sau khi chế biến, đến nay không có trường hợp đối tượng bị ngộ độc thực phẩm.
Thấu hiểu được rằng, để cải thiện sức khỏe cho người tâm thần, ngoài việc điều trị y tế ra, thì yếu tố về tinh thần cũng vô cùng quan trọng. Do đó, lãnh đạo trung tâm đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao thường xuyên, cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng và trồng khuôn viên cây xanh, cải tạo sân vườn thư giãn cho bệnh nhân, nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý chăm sóc đối tượng, tạo môi trường hòa đồng, không gian trong lành giúp bệnh nhân yên tâm thoải mái trong quá trình điều trị.
Tạo không gian giải trí với nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. |
Qua đó, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, quên đi những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến bệnh tình. |
Cùng với đó, Lãnh đạo Trung tâm đã quan tâm, quán triệt, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, khu, bộ phận trong việc triển khai chủ trương của Trung tâm. Qua đó, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cho cán bộ, nhân viên yên tâm công tác; chăm sóc, quản lý đối tượng tốt hơn, tạo sự gắn kết, thống nhất trong toàn đơn vị.
Ông Vũ chia sẻ thêm, bệnh nhân tâm thần cũng cần có cách ứng xử và thái độ phục vụ đặc biệt, thấu hiểu điều họ cần, những mong muốn của họ để có cách ứng xử và chăm sóc phù hợp, thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Trường hợp người bệnh không kiềm chế cảm xúc, có hành vi kích động vì nhiều nguyên nhân, những lúc như vậy, các cán bộ, nhân viên là những người sẽ trực tiếp gặp gỡ trò chuyện, động viên, an ủi và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với bệnh nhân.
Không chỉ là “mái nhà chung” chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân, Trung tâm còn tạo nhiều điều kiện giúp bệnh nhân tâm thần sớm phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng.
Những khó khăn đặc thù mà bệnh nhân tâm thần gặp phải, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm của thành phố cũng như tấm lòng hảo tâm của cá nhân, tổ chức trong cộng đồng xã hội hướng đến người bệnh tâm thần giúp họ tiếp thêm động lực, tăng thêm niềm tin vào cuộc sống để mạnh mẽ chiến thắng bệnh tật.
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn