Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đi đôi với công tác bảo vệ môi trường

Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, sau khi triển khai Đề án xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc những năm qua, môi trường ở nhiều thôn, làng ở các địa phương đã được cải thiện rõ rệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân không ngừng được nâng lên.

Về thăm các vùng quê nông thôn Vĩnh Phúc hiện nay, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều tuyến đường trong khu dân cư được mở mang thảm nhựa, trong đó nhiều tuyến được đầu tư vẽ tranh bích họa sinh động, tạo nên cảnh quan khang trang tô điểm cho các làng quê.

Ở nhiều thôn xóm, các khu vực chăn nuôi đã được quy hoạch tập trung bài bản với hệ thống xử lý, thu gom chất thải khép kín, không còn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như trước đây. Người dân đã biết thu gom phân loại rác từ nguồn; việc bảo vệ môi trường sinh thái được chú trọng trong mọi hoạt động, sinh hoạt làng xã…

Vĩnh Phúc: Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đi đôi với công tác bảo vệ môi trường
Nhiều tuyến được đầu tư vẽ tranh bích họa sinh động, tạo nên cảnh quan khang trang tô điểm cho các làng quê ở Vĩnh Phúc.

Để có được những kết quả này, ngay từ khi triển khai Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc (2023), tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cơ quan chuyên môn tham mưu về các chủ trương chính sách, mô hình, giải pháp, trình tự thủ tục để thực hiện đề án theo chức năng nhiệm vụ; đồng thời, chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất để đủ điều kiện triển khai thực hiện đề án; chủ trì tham mưu các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Ban chỉ đạo Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu cũng đề xuất ý tưởng về xây dựng Bộ tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; theo đó, tiêu chí môi trường được đưa ra với các nội dung cụ thể như sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom chất thải, nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình; thu gom, xử lý chất thải, nước thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuồng trại chăn nuôi; thu gom chất thải tại cánh đồng, kênh, mương, ao, hồ; bảo vệ cảnh quan ruộng đồng, nơi công cộng….

Trong đó, 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt (có thùng, bể thu gom rác theo phân loại); 100% hộ gia đình có nước thải sinh hoạt, nước thải được thu gom, xử lý hoặc xử lý ban đầu; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có hệ thống xử lý rác thải, nước thải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; không xả trực tiếp ra môi trường; chuẩn hóa chuồng trại chăn nuôi.

Ngoài ra, 100% chất thải hữu cơ, phụ phẩm, rác thải nông nghiệp tại cánh đồng, kênh, mương, ao, hồ được thu gom, tập kết vào nơi quy định; người dân không tự chuyển đổi đào ao, trồng cây, làm truồng trại mà không có sự cho phép của chính quyền địa phương; không xả rác thải, chất thải bên đường, cánh đồng, kênh mương, ao, hồ và các nơi công cộng.

Có mô hình bảo vệ môi trường (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường) hoạt động thường xuyên, hiệu quả, có sự tham gia của người dân; có điểm tập kết rác thải tập trung (thùng, hố chôn, lò đốt rác thải…).

Cùng với đó, giải pháp, hoạt động thực hiện sẽ quy hoạch tốt về tổ chức không gian; ban hành các thiết kế, hướng dẫn mẫu về cải tạo, chỉnh trang và xây mới; xây dựng hệ thống hạ tầng môi trường bằng các nguồn lực khác nhau; cơ chế, chính sách để hỗ trợ kinh phí cải tạo, chỉnh trang; các quy chế quản lý và tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng.

Với thực trạng về nghĩa trang, nhiều giải pháp được đưa ra như thay đổi nếp nghĩ của người dân, tích cực phát động thu gom xử lý rác thải, vận động người dân di dời mộ vào điểm quy hoạch, trồng cây xanh để nghĩa trang là nơi xanh, sạch, văn minh.

Để môi trường trong lành trong các Làng văn hóa kiểu mẫu được duy trì bền vững, ngoài những giải pháp của bộ tiêu chí đưa ra, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết tầm quan trọng và ảnh hưởng môi trường đến cuộc sống lâu dài; đầu tư nông nghiệp hữu cơ để có sản phẩm nông sản sạch; áp dụng biện pháp chăn nuôi với mô hình sản xuất không có nước thải bằng sử dụng biện pháp sinh học; ý thức từ việc trồng cây, tạo cảnh quan, xây dựng, lối sống sinh hoạt hằng ngày…hướng tới các vùng nông thôn Vĩnh Phúc xanh – sạch – đẹp và thực sự đáng sống.

Minh Phú

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn