Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, quá trình tăng trưởng nhanh cùng với cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện cũng đã bộc lộ những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn các doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; các hoạt động bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó, hình thức; nhiều doanh nghiệp vẫn còn gây ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức, sử dụng ngày càng nhiều năng lượng.
Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Các nguồn đầu tư, tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp dành cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng đa dạng, phong phú. Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính đã được các doanh nghiệp quan tâm và áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác…
Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ TN&MT, trong thời gian qua Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, đã triển khai rất nhiều các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác định hướng, hướng dẫn hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Đã có hàng trăm doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa, tái chế và tái sử dụng bao bì sau khi Bộ TN&MT phát động phong trào phòng chống rác thải nhựa; tiếp đó các thành viên trong Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động, dự án, chương trình đã được Trung tâm triển khai tích cực và đạt được nhiều hiệu quả trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện điều kiện sống, sinh kế cho người dân.
Có thể nói, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Việc huy động doanh nghiệp tham gia, đồng hành, hỗ trợ, tài trợ các hoạt động bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự thành công của các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với nguồn lực, vật lực và trách nhiệm xã hội ngày càng cao trong xu thế hội nhập hiện nay, việc thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp cần được khuyến khích và đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn