Tại tỉnh Thái Bình, nhiều hộ dân đã thực hiện có hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải từ gia đình, vừa biến rác thải thành phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp vừa giảm chi phí vận chuyển, thu gom và hạn chế tình trạng rác thải tràn lan.
Nhiều năm qua, việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình luôn được bà Trần Thị Mai và ông Trần Xuân Kha và các hộ gia đình khác trong thôn 3 xã Vũ Hoà, huyện Kiến Xương duy trì thực hiện thường xuyên.
Ông Trần Xuân Kha xử lý rác thải tại nhà |
Ông Trần Xuân Kha, thôn 3, xã Vũ Hoà cho biết, ngay sau khi chính quyền địa phương phát động phong trào “thu gom, phân loại rác thải tại nguồn”, ông đã thống nhất với vợ phải làm ngay; ông xây hố, bà thực hiện phân loại rác thải.
Rác được chia làm 3 loại, phế liệu tái chế dồn vào một góc để bán ủng hộ phụ nữ nghèo, rác thải vô cơ gồm đất đá, túi nilon… được tập kết lại rồi chờ xe thu gom rác đến đưa đi xử lý, rác thải hữu cơ chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa cho vào hố ủ để làm phân bón.
“Từ nguồn phân sạch này mà cây trong vườn được bổ sinh thêm dưỡng chất để sinh trưởng, phát triển”, ông Huy cho biết thêm.
Xã Vũ Hoà có 5 thôn với trên 7.200 nhân khẩu. Những năm qua, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chung tay giữ gìn môi trường sống.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền về việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình mà xã còn trích kinh phí mua và phát cho mỗi gia đình 2 thùng để phân loại rác thải. Các hộ gia đình nếu trước đây chỉ dừng ở việc phân loại thì đến nay ngoài phân loại, còn thực hiện xử lý để làm phân bón tại nhà.
Bà Trần Thị Mai, thôn 3 cho biết: Từ ngày có hố rác hữu cơ, tôi thấy rất tiện, tất cả rau, củ, đồ thừa hay cỏ trong vườn tôi đều cho vào hố rồi dùng chế phẩm vi sinh xử lý. Cứ ba thìa nhỏ chế phẩm tôi pha với hơn 1 lít nước, vài ngày lại xịt vào hố rác, từ đó phần nước sẽ ngấm xuống đất, phần bã mục thành phân tôi bón cho cây trồng. Làm mô hình này không chỉ các hộ có phân để bón cây mà lượng rác thải ra môi trường đã giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hợi, thôn 3 cho biết: Sau khi tham gia tập huấn, tôi đã được cán bộ đến tận nhà hướng dẫn đào hố, xử lý chế phẩm để các hộ khác học tập. Từ đó hàng ngày cứ rác thải hữu cơ là tôi đều bỏ vào hố chỉ còn số ít rác vô cơ là dồn lại đưa ra bãi rác tập trung. Mặc dù trước đây tôi đã thực hiện phân loại rác thải nhưng nay làm theo mô hình này thì rác hữu cơ đã được xử lý tại nhà góp phần giảm lượng rác thải ra bãi rác tập trung. Đặc biệt, dùng loại chế phẩm vi sinh này phân bón không có mùi hôi, hạn chế được ruồi nhặng. Dù sau này không được hỗ trợ men vi sinh thì tôi sẽ bỏ tiền ra mua về để dùng.
Tới địa bàn thôn 2, ông Nguyễn Văn Cân cho biết: Nhà tôi làm cây cảnh, thay vì trước đây chuyên cắt cành lá bỏ đi thì nay tôi cho vào hố ủ làm phân bón. Đến nay đã thành quen, tôi cứ pha sẵn vào chai 1,3 lít nước với 2 thìa chế phẩm và một thìa đường để sẵn khi xử lý chỉ việc ra phun, rất đơn giản mà lại hiệu quả.
Còn với bà Nguyễn Thị Yên mặc dù không đào hố như các hộ nhưng bà lại dùng thùng phi rồi cho đồ thừa vào ủ để tận dụng phân bón tưới cho rau màu trong vườn. Đây là mô hình rất hữu ích đối với người dân nông thôn như bà.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa khẳng định: Những năm qua, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chung tay giữ gìn môi trường sống. Xã không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền về việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình mà còn trích kinh phí mua và phát cho mỗi gia đình 2 thùng để phân loại rác thải. Trước đây chỉ dừng ở việc phân loại nhưng đến nay là phân loại, xử lý để làm phân bón tại nhà. Vì thế, khi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chọn xã để triển khai thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, Vũ Hòa coi đây là cơ hội để thay đổi nhận thức và hành động của người dân, đồng thời giao Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đến nay, mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 4 tháng song mô hình đã cho thấy có nhiều lợi ích thiết thực cần được nhân rộng.
Bà Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Hòa cho biết: Thực hiện mô hình này, người dân được hỗ trợ nắp đậy hố rác và gói chế phẩm vi sinh xử lý rác thải. Theo đó, đã có 330 gia đình được hỗ trợ nắp đậy và gói vi sinh để thực hiện mô hình. Sau khi tham gia tập huấn, người dân sẽ triển khai theo 2 cách là đào hố hoặc dùng thùng phuy để thực hiện việc ủ rác hữu cơ làm phân bón. Việc làm này rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí, mỗi gói chế phẩm chỉ với giá 45.000 đồng nhưng người dân có thể dùng được tới 8 tháng.
Nhờ thực hiện mô hình, đến nay lượng rác thải ra bãi rác tập trung ở Vũ Hòa đã giảm được khoảng 30% so với trước đây.
Nhiều mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn đã được triển khai ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. |
Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề cấp thiết trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ cách làm sáng tạo của xã Vũ Hoà đã lan rộng ra các xã, phường của tỉnh Thái Bình. Không chỉ là đảm bảo vệ sinh môi trường cho mỗi hộ gia đình mà còn góp phần giảm áp lực cho các bãi xử lý rác tập trung tại các địa phương.
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn