Tiếp cận mô hình xây dựng “thành phố không carbon”

Tại buổi thảo luận chuyên đề “Hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050” tổ chức tại TP. Vũng Tàu, các cơ quan chức năng của Bà Rịa – Vũng Tàu đã dành nhiều thời gian đón nhận kinh nghiệm xây dựng “thành phố không carbon” Sakai (Nhật Bản).

Theo giới thiệu của Trưởng bộ phận quy hoạch Phòng chính sách môi trường TP. Sakai – ông Hayashi Tomoya, TP. Sakai được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn là “khu vực dẫn đầu về khử carbon với dự án sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại địa phương Sakai”.

Tiếp cận mô hình xây dựng “thành phố không carbon”
Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong các tỉnh có nhiều lợi thế trong việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Theo đó, Sakai đã xây dựng “Thành phố 4C”: Carbon neutral (trung hòa carbon); Circular (tuần hoàn); Comfortable (thoải mái) và Cooperation (tích cực hợp tác). Nhờ đó, tình trạng phát thải nhà kính của thành phố đã giảm dần theo từng năm. Năm 2013, Sakai phát thải nhà kính 747 tấn CO2, đến năm 2020 giảm còn 604 tấn. Sakai tiếp tục đặt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Thành phố Sakai cũng nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo, năng lượng thế hệ mới bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các cơ sở công cộng như trường học, nhà máy… Đồng thời khuyến khích người dân, DN sử dụng xe điện, phương tiện sử dụng pin nhiên liệu và các thiết bị sạc.

Bên cạnh đó là trợ cấp cho các dự án hỗ trợ đưa thiết bị năng lượng tái tạo vào sử dụng trong dân cư; hỗ trợ các dự án lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng cho cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, Sakai còn có những sáng kiến đổi mới khác như sử dụng nhiệt dư tại nhà máy xử lý rác thải của thành phố. Ông Hayashi Tomoya lấy ví dụ cụ thể, tại Sakai, hơi nước từ nhà máy Higashi thứ hai sẽ cung cấp cho các cơ sở thế dục thể thao. Điện từ nhà máy Higashi thứ hai và nhà máy Rinkai bán cho các công ty điện lực. “Chỉ tính trong năm 2023, tổng lượng điện bán ra của hai nhà máy này là 73.678 MWh, đạt doanh thu 1,176 tỷ yên (khoảng 8,3 triệu USD).

Chính vì vậy, để đạt trạng thái trung hòa carbon không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức mà còn mang cả lợi ích kinh tế. Bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải, các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu hay Sakai đều có thể tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và giảm lãng phí. Tuy nhiên, để đạt được trạng thái trung hòa carbon, cácdoanh nghiệp, địa phương phải tiếp cận một cách toàn diện bằng cách giảm khí thải tối đa ở mọi khâu trong quy trình sản xuất – hoạt động và bù đắp khí thải.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, nhiệm vụ của tỉnh là phải bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển.

Đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nguyễn Hải

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn