Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; đổi mới công nghệ và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo sự bứt phá…

Tín hiệu phục hồi tích cực

Trong 7 tháng đầu năm 2024, vượt qua những khó khăn, thách thức và nắm bắt thời cơ, thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy lại được bước đà và phục hồi, ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng, chỉ số sản xuất của các ngành công nghiệp mũi nhọn không ngừng gia tăng, các doanh nghiệp tuyển thêm số lượng lớn lao động, có thêm nhiều đơn hàng mới mở ra những tín hiệu khả quan trong giai đoạn sản xuất cuối năm.

Để chủ động thích ứng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH 5 năm (2021 – 2025) và mục tiêu năm 2024 của Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh.

Đồng thời chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển KT – XH. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực tế cho thấy, các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc những tháng đầu năm 2024 gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, chi phí vận tải; thị trường xuất khẩu truyền thống suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng mới nên đã cắt giảm nhân công. Điển hình tại Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch, thời điểm tháng 3/2024, do số lượng đơn hàng ít, công ty sắp xếp cho hơn 43% người lao động nghỉ phép chờ việc.

Từ tháng 4/2024 đến nay, đơn hàng Công ty tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm, vì vậy, Công ty có thêm cơ chế khuyến khích người lao động đi làm đầy đủ để kịp tiến độ giao hàng bằng việc thưởng thêm tiền công của một ngày phép và thanh toán cùng kỳ trả lương của tháng đó. Số ngày phép chưa nghỉ được cộng lũy kế về sau. Đồng thời triển khai phương án về hệ thống làm mát ở bên trong các xưởng để cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Tại nhà máy Lumi Smart Factory Vĩnh Phúc ở khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị Smarthome, IoT, các dây chuyền công nghệ tại đây đang hoạt động đạt gần 70% công suất, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, khu vực sản xuất đèn Lighting đạt sản lượng từ 1.500 – 2.000 đèn/tháng, dây chuyền SMT hàn dán bề mặt linh kiện điện tử đạt sản lượng 240.000 mạch/tháng; dây chuyển DIP hàn cắm linh kiện để cấu thành bảng mạch điện tử đạt sản lượng 200.000 mạch/tháng.

Ông Đàm Đắc Quang, Giám đốc nhà máy Lumi Smart Factory Vĩnh Phúc cho biết: Nền kinh tế trong nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đang có xu hướng phục hồi khá tốt. Với tiêu chí “giảm lượng, tăng chất”, nhà máy mở rộng sang lĩnh vực gia công linh kiện điện tử cho đối tác trong nước và quốc tế. Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn CNC Tech – một trong những doanh nghiệp quy mô tại Vĩnh Phúc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tín hiệu phục hồi tích cực tác động đến sản xuất, kinh doanh được xác định là do một số doanh nghiệp điện tử di chuyển các công đoạn sản xuất từ một số nhà máy tại Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam nên doanh nghiệp trong tỉnh có thêm đơn hàng để ổn định, phát triển hoạt động sản xuất.

Đặc biệt, trong lĩnh vực dệt may, giày da, các doanh nghiệp có số lượng đơn hàng tăng cao gắn với nhu cầu tuyển thêm lượng lớn lao động như: Công ty TNHH EO Vina tuyển dụng từ 200 – 300 lao động, Công ty TNHH MTV Giày Lập Thạch tuyển dụng 300 lao động, Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch tuyển dụng 300 lao động…

Bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp ổn định, nhiều đơn vị tăng giá trị bữa ăn ca, phụ cấp chuyên cần, có hình thức khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích lao động sản xuất giỏi, vượt trội về năng suất. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện, những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp của địa phương đã thực sự phát huy hiệu quả.

Nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như: Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển tương xứng với tiềm năng.

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tận dụng tốt cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất.

Về công tác hỗ trợ pháp lý, trong giai đoạn 2019 – 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận, tư vấn cho trên 15.000 lượt tổ chức, cá nhân liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường… xây dựng 120 chuyên mục giới thiệu văn bản pháp luật mới ban hành, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức hơn 500 hội nghị, lớp tập huấn, tọa đàm nhằm phổ biến các văn bản pháp luật mới, liên quan đến doanh nghiệp cho cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế các cấp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ưu đãi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc quy định về lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2% – 0,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng xu thế thương mại điện tử thời kỳ công nghiệp 4.0. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có cơ chế hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo về công nghệ thông tin, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2024, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm tạo điều kiện và động lực để các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư vào Vĩnh Phúc.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và hoạt động đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng chuỗi liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp DDI nhằm chuyển đổi mô hình từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Minh Phú

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn