Cụ thể giải pháp thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030 tại Quảng Bình

Nhằm nâng cao khả năng quản lý trong lĩnh vực môi trường góp phần vào thắng lợi việc thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia, ngày 22/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1355/KH-UBND thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể giải pháp thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030 hướng đến xây dựng một Quảng Bình Xanh, thu hút đầu tư, du lịch và phát triển trong tương lai
Cụ thể giải pháp thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030 hướng đến xây dựng một Quảng Bình Xanh, thu hút đầu tư, du lịch và phát triển trong tương lai

Để thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022, tỉnh đề ra 7 giải pháp. Trong đó, tỉnh chú trọng đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2050: “Môi trường tỉnh Quảng Bình có chất lượng tốt, góp phần đảm bảo môi trường Việt Nam có chất lượng tốt; bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050”.

Kế hoạch số 1355/KH-UBND thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ ưu tiên thực hiện mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suỵ giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh.

Cùng với đó, Quảng Bình tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường như: Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thuộc trách nhiệm của địa phương; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon; rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm sinh thái; hỗ trợ các hoạt động xử lý, cải tạo ô nhiễm môi trường; xây dựng và thực hiện các nội dung về phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường địa phương theo hướng tiếp cận với các nước phát triển.

Song song đó, tỉnh sẽ hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phân cấp, tăng trách nhiệm của chính quyền các cấp về bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường năng lực cho các cấp chính quyền địa phương; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong bảo vệ môi trường; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về môi trường…

Để tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tăng cường cung cấp, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý môi trường đến cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý môi trường các cấp. Cùng đó, tăng cường sự giám sát của cộng đồng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân và các cơ quan truyền thông đối với bảo vệ môi trường; phát triển và ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, các đường dây nóng… để đẩy mạnh giám sát về môi trường. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường, cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định. Tăng cường năng lực quản trị môi trường trong các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường các giải pháp huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Phạm Kiên

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn