Di sản Văn hóa Thế giới Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn được hình thành từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Được quy hoạch bảo tồn và phát huy có tổng diện tích 1.158 ha, cách Trà Kiệu (Kinh thành Simhapura) 20 km, cách Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An 45 km, cách cố đô Huế – Di sản Văn hóa Thế giới 145 km và cách thành phố Đà Nẵng 68 km.
Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong Không gian thâm nghiêm của núi rừng, phảng phất nét tâm linh. |
Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pangan, Bôrôbudua.
Kazik (Kazimerz – Kwiatkowski) – Kiến trúc sư tài ba nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn đã thốt lên “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá, và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ – thâm nghiêm – hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một khu di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại. Ngày 4/12/1999, tại thành phố Marrkesk – Nước cộng hòa Marocco, khu di tích Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESSCO.
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp. Có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Mỗi tháp có mỗi chức năng riêng. Tập trung thành từng nhóm, trong đó có đền thờ chính nằm ở giữa, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch. Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông (hướng về thần linh). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Trước mặt đền thờ chính (KaLan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành cách vũ điệu trong lễ cũng hiến cho thần linh.
Với quá trình xây dựng liên tục suốt từ thế kỷ IV cho đến giữa thế kỷ XIII, các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng đền tháp là nơi tập trung những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo. Hầu hết các phong cách kiến trúc đền tháp Chăm đều có mặt ở Mỹ Sơn và chính bản thân các đền tháp ở Mỹ Sơn lại tạo nên những tiêu chí cơ bản cho việc nhận diện phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm.
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn