Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động

Đó là chủ đề hội thảo diễn ra vào ngày 26/6 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức.

Phát biểu khai mạc phiên này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn lại câu nói mà ông vô cùng tâm đắc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Không Make in Việt Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Việt Nam thì chúng ta không thể thịnh vượng. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong, bơi ra biển lớn, sẵn sàng và kiên trì với cạnh tranh toàn cầu để thực hiện được khát vọng hùng cường của đất nước”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc, triển vọng kinh tế ngắn hạn hiện vẫn còn ở mức thận trọng do những điểm hạn chế của nền kinh tế vẫn tồn tại, trong bối cảnh lãi suất tiếp tục ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài và các rủi ro về biến đổi khí hậu gia tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói chung trong việc định hình chiến lược đầu tư ra thị trường quốc tế.

Mặt khác, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, hay nhu cầu tiêu dùng mới đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Vì vậy, ông Lộc cho rằng, việc nắm bắt và tận dụng những cơ hội này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cũng như chiến lược linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trực thuộc VIAC chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trực thuộc VIAC cho biết, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 4/2024, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn hiệu lực, với số vốn đăng ký 22,22 tỷ USD. Các lĩnh vực được chú trọng đầu tư có thể kể đến như dầu khí, ga, khai khoáng, nông lâm nghiệp, thương mại, bất động sản, xây dựng…

Theo ông Nghĩa, đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng, song cũng mang lại không ít khó khăn, rủi ro. Đặc biệt là các rủi ro chính trị, chính sách, pháp luật. Đây là rủi ro phi thị trường thường trực nhất mà các nhà đầu tư cần phải biết.

Để quản trị rủi ro phi thị trường, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mới trưởng thành từ thị trường nội địa, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ, tạo liên minh với các tổ chức/ doanh nghiệp khác (sứ quán, hiệp hội, nhà phân phối tại địa phương, ngân hàng..) để có nhiều nguồn lực quản trị rủi ro chính trị hơn, từ đó tận dụng thế mạnh của từng bên liên kết.

P.V

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn