Những năm qua, công tác bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chủ rừng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hết sức coi trọng. Việc này đã được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải thực hiện tốt, góp phần đưa những cánh rừng trên địa bàn ngày càng thêm xanh.
Nét đẹp của núi rừng Mù Cang Chải
Hiện nay, Mù Cang Chải có diện tích rừng tự nhiên khoảng trên 80.435 ha, diện tích rừng trồng khoảng 20.256 ha, đạt độ che phủ khoảng 67%. Rừng ở đây không chỉ rộng mà còn có nhiều điểm nổi bật, mang lại giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh những thắng cảnh ruộng bậc thang say đắm lòng người, Mù Cang Chải còn có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, với diện tích lên tới 20.108,2 ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 15.128ha, diện tích phân khu phục hồi tái sinh thái là 4.979 ha. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn của 5 xã, trong đó có xã Chế Tạo nằm trong vùng lõi, vùng đệm trải rộng trên các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Su Phình. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có tính đa dạng và đặc hữu cao về thực vật. Kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), bước đầu đã thống kê được ở đây có 788 loài thực vật bậc cao, trong đó có 33 loài thuộc diện quí hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới; động vật có 241 loài, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể, đáng chú ý có 42 loài quí hiếm cho Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu, đặc biệt là 4 loài: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen, voọc xám.
Rừng trúc cũng là một nét đẹp độc đáo của núi rừng Mù Cang Chải. Rừng trúc Nả Háng Tủa Chử (Xã Púng Luông) cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng chừng 20km, với diện tích rộng hơn 1ha, có tuổi đời hơn 60 năm. Nơi đây đã được mở cửa đón khách từ năm 2020, rừng trúc hút hồn du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ và đã trở thành một điểm “check-in” cho những phượt thủ và du khách thập phương đặt chân đến Mù Cang Chải. Cùng với khu rừng trúc ở Púng Luông, du khách còn có thể khám phá và chiêm ngưỡng thêm một khu rừng trúc khác có tuổi đời còn lâu hơn, đó là rừng trúc ở bản Háng Sung (xã Mồ Dề). Rừng trúc bản Háng Sung cũng đẹp mê hồn, trong rừng trúc được bày trí xen kẽ những chiếc ghế, chiếu nghỉ, xích đu đều được làm từ thân cây trúc, tạo nên hình ảnh thơ mộng cho những ai ưa thích không gian trong lành của thiên nhiên.
Rừng trúc ở Mù Cang Chải |
Rừng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
Những năm gần đây, việc phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mông đã được huyện Mù Cang Chải đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, cải tạo các địa điểm du lịch; được người dân tích cực tham gia, dần dần đáp ứng được xu hướng du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm rừng của du khách khi đến với Mù Cang Chải. Bên cạnh việc phát triển kinh tế du lịch cộng đồng, việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, các mô hình nông, lâm kết hợp và phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Ngoài ra, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở Mù Cang Chải cũng được triển khai và phát triển tích cực, tạo thêm một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Hàng năm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải phối hợp với hệ thống ngân hàng và chính quyền các địa phương chi trả vài chục tỷ đồng tiền DVMTR cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Rừng ở Mù Cang Chải ngày càng thêm xanh
Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải và hai xã Nậm Búng, Nậm Lành của huyện Văn Chấn. Năm 2023, tổng diện tích các loại rừng mà Ban quản lý, bảo vệ là trên 54.235 ha, trong đó ở huyện Mù Cang Chải là 48.702,69 ha (Rừng trồng: 14.120,33 ha; Rừng tự nhiên: 34.582,36 ha); ở huyện Văn Chấn là 5.532,53 ha (Rừng trồng sản xuất: 158,76 ha; Rừng tự nhiên: 5.373,77 ha); toàn địa bàn có hơn 11.000 hộ dân tham gia chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Trong năm, tổng diện tích trồng rừng được 340,12 ha, đạt 113,4% kế hoạch, trong đó, trồng rừng phòng hộ thay thế là 61,72 ha, rừng trồng mới được 278,4 ha (Trong trồng rừng mới, Ban đã phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân trồng tre theo dự án “Thanh âm xanh” được 6,4 ha; 50 ha cây dổi, dẻ theo dự án “STAVIAN, trồng rừng vững sống” được 50 ha; 22 ha do UBND các xã vận động nhân dân trồng; 200 ha trồng cây xanh theo đề án ” trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025″.
Nét hoang sở của rừng Mù Cang Chải hấp dẫn du khách |
Với diện tích và đất lâm nghiệp lớn, địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, biên chế lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, là vùng có gió Lào khô nóng, thời tiết thay đổi thất thường nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Để khắc phục những khó khăn, hàng năm Ban đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền, ký hợp đồng bảo vệ rừng, ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đến nhóm hộ, chủ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng; phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn chỉ đạo tổ xung kích tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và chính quyền các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp PCCCR, thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn