Trong cuộc đời con người, có được thì sẽ có mất, có lúc được lại là mất, có lúc mất lại là được cho nên cảnh giới cao nhất của cuộc đời là không được, không mất. Thực tế cuộc sống, mọi người hay tính thiệt hơn, chưa được thì suy tính cái được, được rồi lại suy tính cái mình sẽ mất và cứ luẩn quẩn xung quanh việc mình được gì và mất gì mà không lo được việc lớn của cuộc đời, không thấy được cái tươi đẹp của cuộc sống.
Bỏ đi để bước đi
Bỏ đi không phải là mất đi, bỏ đi không nghĩa là thất bại, chỉ bỏ đi thì mới có được cái khác. Cuộc sống của con người đan xen, tương hỗ nhiều mối quan hệ và cũng nảy sinh ra nhiều tạp niệm xâm thực vườn hoa cuộc đời, hủy hoại cánh đồng hạnh phúc gia viên. Chúng ta có nên bỏ đi những tạp niệm này hay không?
Tạp niệm có thể là những công việc không phù hợp; những bộc lộ khuyết điểm công việc, môi trường của mình; những quyền lợi, hư danh; những nhân sự phân tranh; những tình bạn đã thay đổi, tình yêu đã thất bại; những hôn nhân tan vỡ, bỏ đi quan hệ xã giao không có ý nghĩa; những tính cách xấu, bận rộn và áp lực không cần thiết…Chúng ta biết bỏ đi những tạp niệm đã xâm lấn vườn hoa cuộc đời thì mới có cơ hội thân cận với những người và việc thật sự có ích cho mình.
Chuyện kể rằng, có một thanh niên rất thông minh muốn mọi thứ mình đều giỏi hơn người khác, đặc biệt anh muốn trở thành một học giả lớn. Qua nhiều năm con đường học của chàng không tiến bộ, chàng cảm thấy chán nản rất muốn bỏ cuộc và quyết định đi tìm đại sư. Sau khi gặp đại sư, cả hai người đi leo núi; dọc đường lên núi chàng thanh niên thấy rất nhiều hòn đá đẹp, khi gặp hòn đá nào ưng ý đại sư bảo chàng thanh niên bỏ vào túi để đeo sau lưng, một lúc sau chàng thanh niên không thể chịu được nữa bèn nói: “đại sư ơi, nếu cứ thế này thì con không thể đi tiếp được nữa chứ đừng nói là leo lên đỉnh núi”; Đại sư liền nói: “con muốn lên đỉnh núi phải biết bỏ bớt vật nặng trong túi, không nên ôm đồm tất cả, không nên thấy gì là thu lượm, biết giữ lại cái gì thật hợp lý cho mình…”. Chàng thanh niên lặng người, tự dưng trong lòng sáng suốt, cảm ơn đại sư rồi ra về, sau đó chàng học hỏi và trở thành một học giả lớn như mình mong ước.
Cho và nhận
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói ? Hơn nữa, khi bạn “cho” đi, bạn có đảm bảo rằng bạn không mong “nhận” về không? Hãy cố gắng sống vì sự tốt đẹp cho người khác bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói và với sự vô tư nhất có thể.
“Cho” không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống. Các bạn hãy làm một việc gì đó, có thể giúp đỡ một ai đó trong lúc túng quẫn, những xa cơ lỡ vận hay những lúc gặp khó khăn, bạn sẽ nhận được những niềm vui vượt lên cả sự mong đợi. Dù cho sự giúp đó là tiền bạc hay chỉ là một lời động viên an ủi. Bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim mình, hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của bạn.
Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất. Có người đó đã từng nói “hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, mỗi người chúng ta hãy thử cho đi môt cái gì đó, để rồi biến niềm hạnh phúc của người khác thành niềm hạnh phúc của chính mình…Xin được trích một vài câu trong Một khúc ca xuân của Tố Hữu để thay lời tiếp:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình,”
Và xin kể tiếp câu chuyện sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Hiệp Quốc được thành lập tại NewYork nhưng lại chưa có đất để đặt trụ sở. Nghe thấy tin này tập đoàn gia tộc Rockefeller nổi tiếng mỹ đã quyết định chi 8,7 triệu USD để mua miếng đất tại NewYork dành tặng cho tổ chức quốc tế mới thành lập – liên Hợp Quốc; đồng thời gia tộc Rockefeller cũng mua lại những miếng đất liền kề với miếng đất đã tặng cho Liên Hợp Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái sau chiến tranh thì số tiền 8,7 triệu USD không phải là một khoản tiền nhỏ, nhiều tập đoàn và công ty bất động sản Mỹ đều chê cười và cho đó là hành động ngu dốt. Điều bất ngờ xảy ra khi tòa nhà cao tầng là trụ sở làm việc của Liên hợp Quốc mới xây xong thì các miếng đất xung quanh đó đều tăng giá gấp hàng chục lần so với ban đầu, các tài sản gấp gần trăm lần liên tục đổ vào gia tộc Rockefeller. Đây có thể là một trong những ví đụ điển hình về hoạt động doanh ngiệp trong việc cho đi để nhận lại, việc “thả con săn sắt, bắt con cá rô” này không những chứng minh luận điểm cho đi để nhận lại mà còn chứng tỏ bản lĩnh doanh nghiệp và tầm nhìn chiến lược trong hoạt động kinh doanh.
Trong cuộc sống hằng ngày của con người, trong các hoạt động của doanh nghiệp thì việc “bỏ đi” để phát triển và việc “cho đi” để “nhận lại” vẫn luôn diễn ra liên tục dưới nhiều định dạng khác nhau, mục đích khác nhau nhưng dù dưới bất cứ hình thái nào thì cũng đang đóng góp một phần dịch chuyển quan trọng về chất trong chính các chủ thể của cuộc sống.
Bạn bỏ đi buồn chán, bạn sẽ kết duyên với vui vẻ; bạn bỏ đi lợi ích, bạn sẽ bước vào cảnh giới vượt quá tự nhiên; nếu bạn bỏ đi được cả sự bỏ đi thì bạn càng vĩ đại, bạn không khác gì so với thánh nhân nữa cả. |
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn