So với các nước châu Âu, Nhật Bản không phải là quốc gia đi đầu về tái chế rác thải, nhưng họ đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả.
Cơ chế nào cho điện rác phát triển? |
Tokyo đang là thành phố thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực xử lý rác thải. |
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản, đặc biệt là thủ đô Tokyo, gặp nhiều vấn đề nan giải liên quan đến xử lý rác thải và vệ sinh môi trường. Nền kinh tế tăng trưởng phi mã, bùng nổ dân số khu vực đô thị khiến môi trường Thành phố Tokyo ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng rác thải đạt mức kỷ lục có thời điểm lên đến 13.000 tấn/ngày. Thành phố đã rất mạnh tay trong công cuộc xử lý rác thải, yêu cầu người dân cắt giảm lượng rác, tái chế và tái sử dụng (Chiến dịch 3R). Thành phố cũng cho xây dựng hệ thống các nhà máy thu gom, xử lý rác khổng lồ trị giá hàng tỷ USD, tiến hành việc phân loại rác tại nguồn và xử phạt nặng những người cố tình không chấp hành.
Nguyên lý của công nghệ xử lý rác thải ở Tokyo gồm 3 bước: Nghiền – ép – đốt, rác sau khi được thu gom sẽ được nghiền và ép thành từng khối lớn có kích thước bằng nhau để khi đốt tiết kiệm được thể tích lò đốt, tiết kiệm thời gian và công sức của công nhân nhà máy.
Một số chất hóa học được thêm vào để trung hòa các loại khí độc hại thoát ra trong quá trình đốt. Vì vậy, hơi thoát ra từ những nhà máy đốt rác khổng lồ này thường chỉ là hơi nước và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Câu chuyện thành công của hệ thống quản lý rác thải của Nhật Bản bắt đầu với việc thu gom rác từ các hộ gia đình ở các thành phố. Rác thải của Nhật được quản lý rất có chiều sâu. Bắt nguồn từ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi của người dân. Cho đến việc đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi). Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất.
Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.
Cách đây 30 năm, đa số rác thải ở Nhật Bản được vận chuyển đến các bãi rác hoặc bị vứt bỏ ở những bãi rác tự phát. Chỉ có 5% rác thải ở các thành phố Nhật Bản được tái chế. Hiện nay, chỉ 1,2% lượng rác thải đô thị ở Nhật Bản được đưa đến các bãi rác. Nhật Bản tái chế 20% lượng rác thải, còn lại đa số (khoảng 70%), được đốt để sản xuất điện. Đây là mức cực kỳ cao nếu so với con số 13% rác thải được đốt để sản xuất năng lượng ở Mỹ.
Nhật Bản cũng tìm cách tận dụng các bãi rác một cách hiệu quả, biến các bãi rác thành các cụm đảo nhân tạo có tác dụng như một “máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên” khổng lồ, làm mát làn không khí biển thổi vào đô thị Tokyo. Công nghệ đốt rác của Nhật Bản là phương pháp khả thi để theo đuổi nhất hiện giờ.
Theo thông tin của sở Tài Nguyên Môi Trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố cũng đang ưu tiên chuyển việc xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt. Mục tiêu đến năm 2020, giảm lượng rác được chôn lấp từ 76% xuống 50%, và đến năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp. |
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn