Mỗi một con đường, một góc phố đều có một câu chuyện liên quan tạo nên dấu ấn ký ức đô thị và đặc thù của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Cảnh quan trước Nhà hát TP. HCM xưa và nay |
Từ các hình ảnh xưa và nay ở cùng địa điểm, tác phẩm “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu sẽ cho chúng ta có thể thấy được những đổi thay theo thời gian của các cảnh quan, kiến trúc cùng với các sự kiện, thông tin về lịch sử và các câu chuyện liên quan tạo nên dấu ấn ký ức đô thị và đặc thù của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Qua đó để thấy rõ hơn văn hóa xã hội, bối cảnh lịch sử, cảnh quan và kiến trúc đô thị, giá trị mỹ quan của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ thế kỷ 19 cho đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Biệt thự của bà chủ đồn điền cao su de la Souchère (Madame de la Souchère) được xây dựng vào năm 1927 |
Nay là Nhà thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh |
Tác phẩm “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay” do 3 tác giả hoạt động trong 3 lĩnh vực khác nhau như khoa học tự nhiên, xã hội và nghệ thuật cùng phối hợp thực hiện vì thế góc nhìn là sự tổng hợp của các khía cạnh.
Sách dày 392 trang, gồm 4 chương: Giới thiệu về Thành phố Hồ Chí Minh; Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay; Các kiến trúc đô thị tiêu biểu của Thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn; Di sản kiến trúc, văn hóa và lịch sử – Tổng quan và lời kết.
Sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay” tái bản lần nay có bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, toàn diện hơn về Sài Gòn – Chợ Lớn. |
Tác phẩm ra mắt bạn đọc với mục đích giới thiệu về hình ảnh, thông tin về cảnh quan, đường phố đô thị thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay mà phạm vi là thành phố Hồ Chí Minh. So với lần xuất bản đầu tiên năm 2020, sách tái bản lần này có bổ sung thêm tư liệu và cảnh quan kiến trúc nhà cửa tiệm mặt phố thời Pháp ở quận 5 và quận 6 là những nơi còn sót lại những di sản trên ngoài khu vực trung tâm quận 1, quận 3.
Từ các hình ảnh xưa và nay, gắn liền với các sự kiện, thông tin về lịch sử và các câu chuyện liên quan sẽ giúp người đọc cảm nhận những thay đổi và vẫn còn giữ được nét kiến trúc và cảnh quan của các công trình toà nhà và đường phố ở trung tâm thành phố tại quận 1, và các quận chung quanh như quận 3, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 5, quận 6, quận 8…
Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước Châu Á |
Nay là Bảng tàng lịch sử TP. HCM với kiến được giữ gìn gần như nguyên vẹn |
Điển hình như công trình kiến trúc khách sạn Continental, nhà hát Thành phố, Dinh Độc Lập/ Dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Tòa án nhân dân, khách sạn Majestic, bảo tàng, trường học, đình, hội quán và chùa người Hoa, trụ sở công ty, chợ Tân Định, chợ Bình Tây, cửa tiệm mặt phố, trường học, tu viện, nhà thờ, ga xe lửa Sài Gòn… Những con đường, tòa nhà, cảnh quan phố xá mà chúng ta thấy thường ngày, tuy thay đổi theo thời gian nhưng nếu ta không để ý thì không thấy hết được toàn cảnh giá trị lịch sử văn hóa. Hơn thế nữa là chúng ta chưa định được đúng mức tiềm năng có thể ứng dụng trong sinh hoạt văn hóa, kinh tế hay du lịch.
Theo tác giả – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ: “Một thành phố có sức thu hút quyến rũ du khách và người dân không chỉ ở sức mạnh kinh tế, bề dày lịch sử của nó mà còn do cá tính nhân văn của cư dân và cảnh quan gây những ấn tượng, cảm hứng nghệ thuật cho cộng đồng và các sáng tác văn hóa nghệ thuật đa dạng của những nghệ sĩ. Mà cảnh quan đặc thù đó phát sinh và duy trì chính từ tư duy của con người và phản ảnh phong cách và triết lý sống của cư dân nơi đó.
Một thành phố lớn có tầm vóc thu hút đều có các đặc tính trên và những người nhập cư cũng làm phong phú thêm đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của thành phố mà họ được nuôi dưỡng đã bộc lộ được tài năng của họ. Một sự hỗ tương có lợi cho cá nhân và cộng đồng. Sự thanh lịch nhân văn đó cần được bảo trì và phát huy trong một hệ sinh thái năng động hữu cơ”.
Hình ảnh chiếc xe hơi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn vào những năm 1900 |
Ngày nay, tốc độ phát triển đô thị ở TP. Hồ Chí Minh rất cao, bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Nơi đây đã và sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách đến thăm nếu chúng ta vẫn bảo tồn được các di sản kiến trúc văn hóa, cảnh quan đặc thù của thành phố “lịch sử”.
Bài học từ các nước trong công tác bảo tồn di sản cho thấy ý thức về di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể phát triển và bảo tồn tốt đẹp hay đánh giá đúng giá trị thực của di sản, thông qua sự tham gia của người dân và cộng đồng.
Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để chúng trở thành cảnh quan có giá trị kinh tế và tinh thần vô giá cho thành phố TP. Hồ Chí Minh và các thế hệ sau nối tiếp.
Ba tác giả đồng phối hợp thực hiện tác phẩm “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay” hoạt động trong 3 lĩnh vực khác nhau: Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp là nhà nghiên cứu khoa học môi trường làm việc ở Úc nhưng sinh trưởng ở Sài Gòn, ông qua du học Úc từ năm 1974. Ông thường xuyên về thăm quê hương đều đặn và luôn gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh. Nhà sử học Tim Doling là người Anh làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cố vấn các công trình văn hóa cho UNESCO. Tim Doling đã đến Việt Nam từ thập niên 1990 ở Hà Nội và sau đó sinh sống ở Sài Gòn từ nhiều năm qua. Bác sĩ Võ Chi Mai là nha sĩ sinh sống ở Canada, cũng là họa sĩ có tài. Bà là người Sài Gòn và có họ hàng với doanh nhân nổi tiếng ở Sài Gòn vào các thập niên 1940, 1950, 1960. Ðó là ông Nguyễn Văn Hảo, doanh nhân buôn bán phụ tùng xe hơi và sửa xe hơi ở chợ Bến Thành trên đường Phan Chu Trinh, chủ nhân rạp hát Nguyễn Văn Hảo trên đại lộ Gallieni (nay là đại lộ Trần Hưng Ðạo). |
Thanh Hải
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn