Chiều 14/6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng đồng thời khởi động đăng ký hiến mô tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tháng 6/1992, lần đầu tiên trong nước thực hiện thành công ca ghép thận trên người. Qua 32 năm hình thành và phát triển kỹ thuật ghép tạng, chúng ta đã thực hiện ghép hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Hiện 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công và đưa nước ta trở thành điểm sáng về ghép tạng trong khu vực Đông Nam Á.
“Dù mỗi năm chúng ta ghép hơn 1.000 ca (là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao hơn 1.000 ca) nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép. Số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự phối hợp của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng – cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động; khởi động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại hệ thống Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Sự phối hợp đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động cụ thể trong vận động, tuyên truyền nhân viên y tế, cán bộ, đoàn viên công đoàn, hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người; vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới. Vì vậy, người dân đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời mang lại ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chỉ còn ghép tạng mới mang lại sự sống cho họ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2023 là năm Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca, nhưng 95% là từ người cho sống, chỉ có 5% người cho chết não, trong khi các nước có từ 80-95% nguồn tạng từ người cho chết não. Tạng của người chết ở Việt Nam chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử.
Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng cũng cho biết thêm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ít nhất có 1.000 ca chết não tử vong/năm, đây cũng là bệnh viện vận động hiến tạng sau chết não tốt nhất cả nước, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Vì vậy, mô hình thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện là rất cần thiết. Nếu bệnh viện nào cũng có tổ tư vấn như các bệnh viện ở Tây Ban Nha (mỗi ngày có từ 2-3 ca hiến tạng, người 80 tuổi vẫn hiến tạng), thì trong tương lai, số người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam sẽ tăng cao.
Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, hiện có hơn nửa triệu cán bộ y tế cả công lập và ngoài công lập trên cả nước, nếu phát động tất cả đăng ký hiến mô, tạng thì đây là số lượng rất lớn.
Theo nội dung ký kết chương trình phối hợp, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về ý nghĩa nhân văn của việc hiến mô, tạng bộ phận người, từ đó tự nguyện đăng ký hiến. Ngoài ra, còn tổ chức tôn vinh, tri ân, huy động nguồn lực để động viên chăm lo cho người hiến sống và gia đình người hiến mô tạng sau chết não… Từ hành động này sẽ lan tỏa phong trào đăng ký hiến mô, tạng cứu người nhân rộng đến toàn dân…
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn