Những năm qua, Cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh việc phát triển và quản lý rừng bền vững; tới nay đã có hàng ngàn diện tích rừng trên địa bàn được cấp Chứng chỉ FSC.
“Chứng chỉ rừng FSC” hay “Chứng chỉ rừng bền vững” hoặc “Chứng chỉ quản lý rừng bền vững” là kết quả đầu ra của hoạt động đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council). Chứng nhận này được cấp bởi Hội đồng Quản lý Rừng (The Forest Stewardship Council – FSC), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Từ khi thành lập tới nay, FSC đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. FSC đã có mặt tại hơn 50 quốc gia, với hơn 850 thành viên là các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp cùng đồng hành,… Tiêu chuẩn FSC đưa ra rất khắt khe, gồm có 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí.
Một nhãn Chứng nhận FSC |
Lợi ích khi được cấp Chứng chỉ FSC
Lợi ích về kinh tế: Chứng nhận FSC hướng dẫn sử dụng nguồn nguyên liệu rừng một cách hợp lý, giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Khi sản phẩm được gắn nhãn FSC đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản phẩm thường cùng loại, cao hơn từ 20 – 30%.
Lợi ích về thương hiệu doanh nghiệp: Nguồn nguyên liệu đầu vào khi được chứng nhận FSC sẽ giúp thương hiệu sản phẩm đó được nâng tầm. Sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu gỗ FSC được quyền sử dụng nhãn FSC và dấu chứng nhận FSC.
Lợi ích về môi trường: FSC có những nguyên tắc khắt khe vì nó giúp bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái trong tự nhiên một cách đặc biệt, không chỉ nguồn gỗ rừng mà bao gồm cả không khí và nguồn nước.
Lợi ích về xã hội: Rừng được xem là một nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Thái Nguyên tích cực phát triển rừng đạt Chứng chỉ FSC
Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển và quản lý rừng bền vững, những năm qua, hàng ngàn diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cấp chứng nhận FSC (huyện Đồng Hỷ có trên 2.000 ha; huyện Đại Từ trên 1.500 ha; huyện Phú Lương, với trên 5.100ha).
Công ty TNHH Lâm Sản Thái Hưng ( Xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) được UBND huyện Phú Lương chấp thuận chủ trương đầu tư, hợp tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ trên địa bàn huyện. Từ năm 2023 đến nay, Công ty đã triển khai liên kết với các hộ dân trên địa bàn để hoàn thiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ, mời chuyên gia đánh giá cấp chứng chỉ rừng. Kết quả, đến tháng cuối tháng 6/2024, Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững GFA đã chính thức cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ trồng rừng tại huyện Phú Lương; tổng diện tích rừng đầu tiên được cấp chứng chỉ là 5.163,2 ha với hơn 3.653 hộ tham gia. Hiện nay, Phú Lương là địa phương có diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên; chủ yếu trên địa bàn 4 xã: Yên Đổ, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương phát biểu tại hội nghị |
Chiều ngày 24/7/2024,phát biểu tạiHội nghị báo cáo kết quả cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương nhấn mạnh, quản lý rừng bền vững FSC là hướng phát triển tốt cho kinh tế Lâm nghiệp của huyện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho bà con nhân dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị, thời gian tới Công ty TNHH Lâm sản Thái Hưng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng NN&PTNT huyện, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng theo nguyên tắc và tiêu chí FSC. Với tiềm năng thế mạnh về rừng của huyện thì việc được cấp chứng nhận FSC sẽ là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng, địa phương; là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của huyện Phú Lương nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.
10 nguyên tắc của tiêu chuẩn FSC Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC được xây dựng với bộ 10 nguyên tắc. Nguyên tắc 1: Tuân thủ pháp luật và các quy định của tổ chức FSC Nguyên tắc 2: Tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng Nguyên tắc 3: Tuân thủ quyền và lợi ích của người bản địa sinh sống Nguyên tắc 4: Tuân thủ các mối quan hệ và lợi ích của người lao động Nguyên tắc 5: Đảm bảo được các lợi ích từ nguồn tài nguyên rừng Nguyên tắc 6: Đảm bảo kiểm soát được tác động đến môi trường sống Nguyên tắc 7: Phải có kế hoạch giám sát và quản lý cụ thể Nguyên tắc 8: Thực hiện việc giám sát và đánh giá thường xuyên Nguyên tắc 9: Bảo tồn những cánh rừng có giá trị cao Nguyên tắc 10: Bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng |
Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn