Thêm giải pháp xử lý bền vững chất thải rắn công nghiệp

Phát triển công nghiệp, đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn công nghiệp. Tận dụng, xử lý chất thải rắn công nghiệp từ các nhà máy để biến thành chất phụ gia cho sản xuất xi măng sẽ mang đến hiệu quả kinh tế lớn cho các doanh nghiệp cũng như đóng góp vào công cuộc bảo vệ moi trường trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây nhu cầu sử dụng phốt pho vàng và phôi thép trên thị trường trong nước và thế giới không ngừng tăng. Đây là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp ứng dụng. Hiện nay, Khu công nghiệp Tằng Loỏng trở thành trọng điểm của cả nước về sản xuất phốt pho và cán phôi thép. Quá trình sản xuất phốt pho và cán phôi thép từ các nhà máy trong khu công nghiệp hàng ngày sản sinh ra lượng xỉ thải là tương đối lớn. Hiện tại lượng xỉ thải chưa có hướng xử lý triệt để mà chỉ xử lý đơn thuần là chôn lấp ít nhiều gây nên sự ô nhiễm môi trường trên mặt đất cũng như tầng nước ngầm.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, ngày 05/5/2023, UBND huyện Bảo Thắng đã phê duyệt Quy hoạch và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch Đồ án: Quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao công suất 1.000.000 Tấn/năm tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 1718/QĐ-UBND.

Việc xây dựng Nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao công suất 1.000.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đủ năng lực xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng xỉ thải, hạn chế chôn lấp, biến chúng thành các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, cải thiện môi trường sống để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra là phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Từ cuối năm 2023, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Dự án nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lao Kay có công suất 1 triệu tấn/năm đã đi vào triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, với diện tích hơn 7,2 ha đang dần hoàn thiện các hạng mục đầu tư, dự kiến đi vào vận hành trong quý II/2024. Khi đi vào vận hành, nhà máy này có thể xử lý toàn bộ chất thải rắn của các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Mô hình Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Tằng Loỏng.
Mô hình Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Tằng Loỏng.

Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hằng ngày sản sinh ra lượng xỉ thải tương đối lớn. Lượng xỉ thải chưa có hướng xử lý triệt để, chỉ xử lý đơn thuần là chôn lấp nên ít nhiều gây ô nhiễm môi trường trên mặt đất cũng như tầng nước ngầm. Mặt khác, công ty đang thiếu chất phụ gia cho sản xuất xi măng, do đó nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đủ năng lực xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng xỉ thải, hạn chế chôn lấp, biến chất thải thành các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế là rất phù hợp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực. Trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng mô hình giai đoạn 2 với thiết bị phối trộn sản xuất xi măng tại Lào Cai để thuận tiện, không còn phải vận chuyển về các tỉnh miền xuôi.

Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Tằng Loỏng dần đi vào hoàn thiện
Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Tằng Loỏng dần đi vào hoàn thiện

Cùng với việc đưa vào triển khai xây dựng Dự án, tháng 12/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1260/QĐ-BXD ngày 11/12/2023 về việc Ban hành chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời sử dụng bã thải thạch cao phốt pho làm lớp móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng. Theo Quyết định, việc ban hành chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời để áp dụng cho một số dự án sử dụng bã thạch cao phốt pho phát thải từ các nhà máy hóa chất, phân bón trong nước làm móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng. Bộ Xây dựng cũng giao Viện Vật liệu xây dựng theo dõi, đánh giá, sau 36 tháng kể từ ngày ký trình Bộ ban hành Quy định chính thức và làm cơ sở xây dựng, công bố tiêu chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Đây cũng là điều kiện đủ để đẩy nhanh quá trình tận dụng chất thải rắn công nghiệp trong tái chế, tái sử dụng xỉ thải, hạn chế chôn lấp, biến chất thải thành các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong khu vực tỉnh.

Thải GYPS của Công ty DAP chất đống với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Thải GYPS của Công ty DAP chất đống với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Xỉ của các nhà máy phốt pho đã được đưa về Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lao Kay.
Xỉ của các nhà máy phốt pho đã được đưa về Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lao Kay.

Với việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và Quyết định chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời sử dụng bã thải thạch cao phốt pho làm lớp móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng sẽ là giải pháp bền vững, tránh tình trạng chất đống chất thải gây nguy hại cho môi trường. Đây cũng là giải pháp góp phần làm tăng quỹ đất đầu tư sản xuất khác cho khu công nghiệp, tận dụng nguồn tài nguyên đất, hạ tầng sẵn có và tạo việc làm cho lao động địa phương, có thêm đóng góp cho ngân sách địa phương qua các sắc thuế…

Phạm Kiên

Nguồn: Congnghiepmoitruong.vn